Tết Nguyên Đán là ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam. Trong ngày lễ trọng đại này, mọi người sẽ cùng nhau thực hiện các công việc, phong tục truyền thống giúp gắn kết tất cả các thành viên, đồng thời cũng giúp lưu giữ những nét đẹp văn hóa từ thời cha ông ta để lại. Văn hóa Tết Việt Nam là một phần quan trọng của truyền thống dân tộc, thể hiện trong cách người Việt chào đón năm mới. Cùng bài viết theo dõi ngay những văn hóa Tết Việt đặc sắc và ý nghĩa nhé.
Cúng ông Công, ông Táo là một nét văn hóa truyền thống được người Việt gìn giữ và phát huy từ rất lâu đời. Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, tất cả mọi người, mọi nhà sẽ sắm sửa mâm cúng đủ đầy cùng các thức quà ngon, 3 bộ quần áo vàng mã, cá chép sống,... để bày tỏ sự kính trọng đến vị thần linh cai quản bếp núc, giữ ngọn lửa êm ấm trong gia đình.
Sự tích ông Công ông Táo đã tồn tại từ rất lâu trong văn hóa dân gian của người Việt Nam ta. Đây là ba vị thần với các tên gọi ông Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ - các vị thần đại diện bảo vệ gia đình và đất đai khu vực đó. Ngày 23 tháng Chạp hàng năm là lúc các vị thần lên chầu trời để báo cáo về những sự kiện, công việc của gia chủ trong suốt thời gian một năm vừa qua. Đến đêm giao thừa, các ông Táo mới trở về nhân gian, tiếp tục công việc thường ngày của mình.
Các gia đình thường sẽ chuẩn bị rất chu đáo trong dịp quan trọng này để mong các vị thần có thể phù hộ độ trì cho các thành viên trong năm mới sắp tới. Thông thường, khi lễ cúng xong xuôi, mọi người phải mang cá chép vàng đi thả trước 12 giờ trưa để ông Táo kịp về chầu Trời. Cá chép nên được thả tại những khu vực sông hồ thoáng đãng và rộng rãi, tượng trưng cho sự hanh thông, thuận lợi như tích “cá chép hóa rồng” trong dân gian.
Theo truyền thống đẹp “uống nước nhớ nguồn” của ông bà truyền lại, các thế hệ con cháu đời sau cần phải biết nhớ ơn tổ tiên và nguồn cội của mình. Chính vì thế, thăm mộ tổ tiên vào dịp cuối năm chính là cách thức để chúng ta có thể bày tỏ lòng kính trọng cùng sự hiếu thảo đến các bậc tiền nhân. Vào những ngày này, mọi người thường sẽ dọn dẹp khu mộ sạch sẽ, nhổ cỏ, gửi đến ông bà tổ tiên những nén nhang thơm, chào đón một mùa tết mới sắp đến gần.
Có thể thấy, phong tục thăm mộ ông bà tổ tiên là một nét đẹp Tết Việt trong dịp xuân mới, thể hiện được đạo “hiếu” trong kinh sách xa xưa đã truyền dạy. Không những thế, đây còn là hành động thể hiện sự yêu thương và đoàn kết khăng khít giữa các thành viên trong gia đình, giữa những người còn sống và người đã khuất.
Một trong số những nét đẹp Tết Việt mà chúng ta không thể bỏ qua nữa đó là tục gói bánh chưng. Gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết là một sự kiện truyền thống hằn sâu trong ký ức những người con đất Việt về tình cảm gia đình ấm áp và sum vầy. Những chiếc bánh chưng xanh vuông vức là đại diện của đất trời thiêng liêng, phong tục này được lưu truyền và gìn giữ đến tận ngày hôm nay, thể hiện tinh thần trung hiếu và thơm thảo của những người con đất Việt.
Theo truyền thuyết kể lại, vua Hùng Vương thứ 6 đã sử dụng chiếc bánh chưng của Lang Liêu để làm vật tế bái thần linh cùng các vị tổ tiên đã khuất. Đây là cách thức giúp thể hiện sự hiếu kính của con cháu đến các bậc tiền nhân đi trước. Bên cạnh đó, tục gói bánh chưng ngày tết còn là thời điểm để các thành viên trong gia đình có thể cùng quây quần bên nhau và có những phút giây sum họp ấm áp, hạnh phúc.
Tết đến Xuân về là lúc chúng ta cùng sắm sửa những thức quà ngon, mâm trái cây đủ đầy, những cành hoa màu sắc tươi thắm để chào đón những điều tích cực, an lành nhất sẽ đến trong năm mới. Việc dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ cũng là một nét văn hóa Tết Việt quen thuộc và bình dị, chất chứa đầy những ký ức đẹp của tuổi thơ. Các thành viên trong gia đình sẽ có cơ hội được quây quần và vui vẻ bên nhau với những khoảnh khắc cùng dọn dẹp, trang trí nhà cửa đón xuân mới.
Các đồ vật như cốc chén, bát đũa, bàn ghế, giường tủ,... đều được dọn dẹp một cách tỉ mỉ và cẩn thận với mong muốn xua đi những năng lượng tiêu cực của năm cũ, đón chào những điều tích cực nhất trong năm mới. Các bạn cũng có thể nhân cơ hội này để mua thêm những vật phẩm trang trí tết thật vui tươi và ấn tượng, tạo cho ngôi nhà thân yêu của mình không khí lễ hội tưng bừng, phấn khởi.
Một gợi ý rất hay ho khi dọn nhà và trang trí không gian nhà ở dịp tết đó là treo những bức tranh phong thủy thu hút năng lượng tích cực như: mã đáo thành công, thuận buồm xuôi gió, cá chép hóa rồng, cửu ngư quần hội,... Hoặc các bạn cũng có thể sử dụng các bức đối tết từ giấy xuyến đỏ để mang hơi thở của mùa xuân đến với gia đình mình.
Bên cạnh việc trang trí nhà cửa và decor những vật phẩm màu sắc tươi tắn mang không khí tưng bừng của ngày trọng đại nhất trong năm - Tết nguyên đán. Chúng ta cũng không thể nào thiếu đi cành đào sắc hồng e ấp và chậu mai phú quý tài lộc. Mai và đào là hai loại cây tượng trưng cho ngày tết của miền Nam và miền Bắc nước ta. Mỗi loại hoa đều mang một sắc thái ấn tượng và đặc trưng khác nhau, phù hợp với không khí lễ hội đầu năm.
Hoa đào có sắc hồng tươi đẹp mắt, tượng trưng cho sự tươi tốt, mới mẻ và may mắn trong năm mới. Bên cạnh đó, loài hoa này còn là biểu tượng của sự thịnh vượng, thành công theo quan niệm dân gian. Mai vàng thường được liên kết với ý nghĩa của sự phú quý và cao sang. Một chậu mai vàng trong nhà dịp Tết cũng đã mang đến sự hân hoan và đầy hứng khởi cho mọi người trong không khí xuân mới tưng bừng.
Song song với những cành đào, chậu mai mang phú quý và thịnh vượng đến cho gia chủ. Văn hóa Tết Việt còn được gìn giữ và lưu truyền với truyền thống bày mâm ngũ quả. Theo tâm linh của người Việt xưa, mâm ngũ quả được hình thành dựa theo các nguyên tố ngũ hành của đất trời như: kim - mộc - thủy - hỏa - thổ. Các yếu tố này kết hợp linh hoạt và cân bằng với nhau nhằm mang đến sự hài hòa, thịnh vượng cùng may mắn cho gia đình.
Các loại quả thường được chọn để làm mâm ngũ quả theo Tết truyền thống thường là: mãng cầu - dừa - đu đủ- xoài - sung, tượng trưng lần lượt cho các ý nghĩa về nhu cầu của con người trong cuộc sống: cầu - vừa - đủ - xài - sung (sướng). Một sự biểu trưng rất sâu sắc và vô cùng ý nghĩa từ người xưa khi sử dụng các loại quả để dâng lên bề trên, mong cầu về những điều may mắn, tốt lành nhất sẽ đến trong năm mới.
Thời hiện đại ngày nay, các bạn cũng có thể sáng tạo và trang trí cho mâm ngũ quả của gia đình mình thêm ấn tượng với các loại quả như: táo đỏ phú quý, lê vàng thịnh vượng, nho xanh sung túc, lựu đỏ đủ đầy, dưa vàng cao sang,... Hoặc, những quả phật thủ với màu sắc tươi xanh cùng hương thơm thanh nhẹ cũng là một sự lựa chọn hợp lý cho mâm ngũ quả ngày tết.
Nét văn hóa tết Việt đặc trưng tiếp theo không thể nào bỏ qua đó chính là những bữa cơm tất niên để các thành viên có thể sum vầy và quây quần bên nhau. Sau khoảng thời gian suốt một năm dài với nhiều bận rộn và bộn bề trong cuộc sống. Giờ đây, mọi người có thể cùng ở cạnh nhau để chia sẻ, tâm sự và cùng đón khoảnh khắc thiêng liêng đêm giao thừa.
Mâm cúng tất niên là mâm lễ được bày biện đẹp mắt và chuẩn bị thật kỹ lưỡng, chỉn chu để thể hiện sự chân thành cùng sự hiếu kính của con cháu đến ông bà tổ tiên nhân dịp năm mới sắp đến gần. Bên cạnh đó, bữa cơm tất niên cũng là nét văn hóa đẹp của người Việt Nam thể hiện sự đoàn kết, gắn bó và yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.
Tết Nguyên Đán là ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam. Không chỉ là thời điểm để chào đón năm mới, đây còn là lúc chúng ta cùng dành thời gian cho gia đình cùng những người thân yêu. Bài viết đã chia sẻ đến bạn đọc những thông tin thú vị về các nét văn hóa Tết Việt ý nghĩa và ấn tượng được lưu truyền từ xa xưa. Ghé thăm trang web của Gifgo để cùng đón đọc những thông tin hữu ích khác về chủ đề Tết của người Việt nhé.
LIÊN HỆ ĐẶT HÀNG VỚI GIFGO QUA