Ngày Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn nhất trong năm của người Việt Nam. Đây không chỉ là cách người Việt kỷ niệm ngày Tết mà còn là cách để chúng ta bảo tồn và truyền tải những giá trị văn hóa đẹp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trên thực tế, có rất nhiều phong tục truyền thống quan trọng liên quan đến sự kiện này. Cùng theo dõi bài viết để tìm hiểu về các phong tục truyền thống ngày Tết của người Việt nhé.
Ngày Tết của người Việt không chỉ là dịp để kỷ niệm, mà còn là lễ hội của vẻ đẹp truyền thống, mang sự tri ân và trân trọng với quá khứ, hiện tại cùng tương lai. Cùng điểm qua những phong tục truyền thống ngày Tết quen thuộc và thân thương của người Việt nhé.
Cúng ông Công - ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm là một nghi thức quan trọng không thể thiếu trong văn hóa truyền thống ngày Tết của người Việt Nam ta. Trong tín ngưỡng văn hóa của cha ông ta từ xa xưa, ông Công và ông Táo được coi là hai vị thần linh cai quản nhà ở, đất đai, một số nơi có quan niệm về việc cai quản cả việc nổi lửa trong căn bếp, giữ gìn sự hạnh phúc và bình yên, ấm áp trong gia đạo.
Bên cạnh sự cai quản mọi hoạt động trong gia đình, các vị thần này còn có nhiệm vụ ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ cùng những luồng khí tiêu cực, bảo vệ và mang đến bình yên cho gia đình. Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người người nhà nhà đều làm những mâm cơm cúng đủ đầy với các thức quà như rượu thơm, thịt ngon, hoa quả tươi,... để bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng đến các vị thần cai quản nhà ở.
Đặc biệt, trong mâm lễ cúng ông Công - ông Táo của người Việt không thể thiếu đi cá chép còn bơi (1 hoặc 2 - 3 con cá đều được). Sau mỗi lễ cúng, mọi người sẽ mang cá chép đi thả phóng sinh ở các sông hồ rộng lớn. Điều này là một phong tục vô cùng quen thuộc và đẹp đẽ, mang ý nghĩa như một phương tiện tốt lành, giúp ông Táo lên chầu Trời thuận lợi. Bên cạnh đó, cá chép thả ra sông cũng biểu trưng cho hình ảnh “cá chép vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” trong dân gian, mong cầu sự hanh thông và thuận lợi chạm đến thành công.
Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ không chỉ là một nhiệm vụ hàng ngày mà còn là một phong tục truyền thống quan trọng, đặc biệt là trước những dịp lễ tết. Việc này không chỉ mang lại không gian sống thoải mái và sạch sẽ, chuẩn bị đón chào năm mới đến. Đây còn là phong tục đẹp của người Việt, tượng trưng cho việc loại bỏ đi những điều xấu, những năng lượng tiêu cực còn tồn đọng ở năm cũ, mở ra không gian mới chào đón những điều tốt lành sắp tới.
Khi đến gần Tết Nguyên Đán, công việc dọn dẹp nhà cửa trở nên quan trọng và quen thuộc với tất cả các gia đình. Các thành viên trong nhà đều bắt tay vào lao động, lau chùi từng góc nhỏ của ngôi nhà, từ những khu vực riêng tư như phòng ngủ, nhà vệ sinh cho đến không gian sinh hoạt chung: phòng khách và nhà bếp. Dọn dẹp nhà cửa dịp Tết còn là thời điểm phù hợp để mọi người trong gia đình cùng gắn kết, dành nhiều thời gian cho nhau hơn.
Bên cạnh những công tác dọn dẹp, mọi người còn có thể kết hợp treo lịch mới, trang trí lại các chậu cây, cành hoa,... giúp đón nguồn năng lượng tươi mới vào nhà. Dọn dẹp nhà cửa trước Tết không chỉ là nét đẹp văn hóa của người Việt mà còn là cách họ thể hiện lòng biết ơn, lòng trân trọng đối với cuộc sống cùng mong muốn đón nhận năm mới với không khí trong lành, sạch sẽ, và đầy may mắn.
Một trong số những phong tục truyền thống ngày Tết của người Việt không thể không kể đến đó là gói bánh chưng. Bánh chưng là một loại bánh của người Việt đã có từ rất lâu đời. Bánh chưng bánh dày - biểu tượng cho sự hài hòa và cân bằng giữa đất trời, thiên nhiên cùng con người. Gói bánh chưng, trông nồi bánh chín mỗi dịp Tết chính là thời điểm vui vẻ nhất, giúp mọi người trong gia đình có cơ hội được sum vầy và quây quần bên nhau.
Để làm nên những chiếc bánh chưng thơm ngon và đủ đầy, các bạn cần có những nguyên liệu chính như gạo nếp ngon, lá chuối non, đỗ xanh xát vỏ, thịt ba chỉ lợn, dây lạt buộc bánh,... Các bước chuẩn bị và thực hiện để cho ra đời thành phẩm bánh chưng ngon đẹp không khó, các bạn có thể học gói bánh chưng từ ông bà, cha mẹ mình. Có thể nói, đây là một cách thức hay để có thể truyền đạt giá trị văn hóa tốt đẹp đến các thế hệ sau.
Theo văn hóa truyền thống của người Việt, mâm trái cây ngày Tết thường sẽ có 5 món khác nhau, đại diện cho 5 ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Đây cũng là việc thể hiện ước nguyện của con người về Phúc, Lộc, Thọ, Khang, An trong cuộc sống. Các loại trái cây chủ yếu thường dùng trong mâm ngũ quả ngày Tết thường là Cầu (mãng cầu), Dừa, Đủ (đu đủ), Xoài, mang ý nghĩa về việc cầu được ước thấy, tiền bạc vừa đủ tiêu xài của con người.
Hiện nay, hình thức chưng mâm ngũ quả ngày Tết được biến tấu và đổi mới với nhiều vật phẩm nông sản đặc biệt hơn, đẹp mắt hơn như: trái cây nhập khẩu, táo, nải chuối xanh, dưa lê, lựu, đào tiên,... Mỗi loại trái cây sẽ có một màu sắc đặc trưng và mang trong mình những ý nghĩa đặc biệt không giống nhau. Ví dụ như: táo đỏ phú quý, lê vàng giàu sang, nho tím đủ đầy, đào hồng trường thọ,...
Mâm ngũ quả thường được sắp đẹp mắt trên bàn thờ, nhằm thể hiện sự tôn kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên. Đây cũng là cách thức tốt để thể hiện lòng biết ơn cùng sự tri ân với những bậc tiền bối đi trước. Bên cạnh đó, việc trang trí mâm ngũ quả theo ngũ hành cũng cầu mong cho một năm mới luôn được hạnh phúc, bình an và đủ đầy.
Cây mai cây đào là hai loại cây hoa đẹp, tượng trưng cho tết truyền thống Việt Nam. Cả hai loại cây này đều mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc về sự may mắn, thịnh vượng và tấn tới trong năm mới. Các gia đình thường chưng cây mai vàng, cành đào hồng trước hiên nhà hoặc trong lục bình để giúp tăng thêm vẻ đẹp sang trọng, phú quý cho không gian nhà ở.
Cây mai là loại cây có hoa màu vàng, nhiều búp xanh đan xen giữa các khóm hoa đẹp mắt. Trong văn hóa dân gian, mai được xem là biểu tượng của sự may mắn và thịnh vượng. Cây mai thường được trang trí nổi bật với những vật phẩm decor ấn tượng mang sắc đỏ ngày tết như: tràng pháo, đèn lồng, câu đối, ông thần tài mini,... Đây cũng là loại cây tượng trưng cho sức sống rực rỡ và năng lượng tích cực.
Những cành đào có nụ hoa màu hồng e ấp trong gió xuân se lạnh của thời tiết miền Bắc thường là cảm hứng bất tận cho những bài thơ, câu văn. Cây đào được chọn là loại cây cảnh đặc trưng của mùa tết nhờ vào vẻ đẹp tinh khôi và tươi mới của những búp non mơn mởn. Bên cạnh đó, bông hoa đào màu hồng tươi thường tượng trưng cho sự thành công và phồn thịnh trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Liên hoan tất niên cuối năm là một trong số những nét đẹp truyền thống văn hóa ngày Tết của người dân Việt Nam trên khắp mọi miền tổ quốc. Tất niên, cũng gọi là bữa cơm tất niên, là bữa tiệc cuối năm mà gia đình hoặc đồng nghiệp, bạn bè, tất cả mọi người cùng nhau tụ tập để kết thúc năm cũ và chuẩn bị chào đón năm mới. Tất niên không chỉ là một bữa tiệc thưởng thức ẩm thực ngon mà còn là dịp để mọi người cùng gắn kết, sẻ chia và trò chuyện vui vẻ bên nhau trong ngày cuối năm.
Những bữa ăn tất niên vào các ngày cuối năm cũng là thời điểm để mọi người cùng gửi lời cảm ơn đến nhau về những đóng góp, sự giúp đỡ, và sự chia ngọt sẻ bùi trong suốt một năm vừa qua. Đây là dịp để tỏ lòng biết ơn và tri ân sâu sắc đối với những người thân yêu xung quanh mình. Cuối năm cũng là thời điểm thích hợp để nhìn lại những thành tựu đã đạt được trong năm qua và đặt ra những mục tiêu, kế hoạch mới cho năm tiếp theo.
Cúng giao thừa và đón năm mới là những nghi lễ truyền thống quan trọng trong văn hóa người Việt. Cúng giao thừa là hoạt động thường diễn ra vào cuối năm, trong khoảnh khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới. Đây là dịp đánh dấu sự kết thúc của một năm cũ, nó cũng là dịp để nhìn lại những gì đã qua, đánh giá những gì đã làm được và chưa làm được. Đồng thời, chúng ta cũng có thêm tinh thần để sẵn sàng cho một khởi đầu mới nhiều hy vọng và kỳ vọng.
Trong lễ cúng giao thừa, người Việt thường dành thời gian để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên bằng cách cúi đầu, làm lễ và cúng tại bàn thờ. Điều này nhằm thể hiện sự tri ân và nhớ đến những người đã đi trước, mang lại sự bình an và bảo hộ cho gia đình theo khía cạnh tâm linh. Khoảnh khắc giao thừa là lúc chúng ta cùng trao cho nhau những lời chúc tốt lành nhất, tích cực nhất.
Một trong số những nét đẹp truyền thống trong văn hóa tâm linh ngày Tết của người Việt chính là đi chùa đầu năm. Việc đi chùa đầu năm thường được coi là cách để mong cầu sự bảo hộ và may mắn từ các vị thần linh. Người ta thường cầu nguyện, mong ước cho một năm mới tràn đầy niềm vui và thành công trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Mọi người cũng tin rằng, việc đi chùa đầu năm cũng giúp loại bỏ đi những điều tiêu cực và xui rủi trong năm cũ, hy vọng về những điều tươi vui ở phía trước.
Chùa thường là nơi linh thiêng, yên bình, giúp mọi người tìm kiếm sự tâm linh và thanh tịnh. Đi chùa đầu năm giúp mọi người có cơ hội để suy nghĩ và hướng tâm trí mình vào những điều tích cực. Đi chùa đầu năm cũng là thời điểm mọi người có thể xin lộc, xin quẻ cho năm mới được thuận buồm xuôi gió hơn.
Trong dịp Tết Nguyên Đán, phong tục xông đất đầu năm không còn quá quen thuộc gì với những người dân đất Việt .Xông đất được coi là cách mở cửa nhà để đón chào những nguồn linh khí, nguồn năng lượng tích cực của năm mới. Người ta tin rằng việc này mang lại sự may mắn và thịnh vượng cho gia đình. Cách thức thực hiện truyền thống này khá đơn giản, chủ nhà sẽ nhờ một người có độ tuổi phù hợp với gia chủ trong năm đó để nhờ xông đất đầu năm.
Người hợp tuổi sẽ đến nhà chúc tết vào thời khắc vạn vật chuyển mình sang năm mới, gửi đến gia chủ những lời chúc tích cực và tốt lành, hy vọng một năm mới luôn được thuận lợi, vui vẻ, nhiều sự hanh thông. Xông đất giúp tạo ra không khí tết truyền thống, gắn kết mọi người và tạo ra một tâm trạng vui tươi, hạnh phúc trong gia đình. Truyền thống văn hóa xông đất đầu năm không chỉ mang lại ý nghĩa tâm linh mà còn là cách để mọi người chuẩn bị hành trang và tinh thần chào đón một năm mới tràn đầy niềm vui, vạn sự thành công.
Một vẻ đẹp văn hóa truyền thống ngày Tết của người Việt được kể đến tiếp theo đó là hái lộc đầu xuân. Đây là hành động ngắt nụ hoa, búp lá ở chùa để xin lộc về nhà. Đây được coi là cách để mong cầu sự thuận lợi, may mắn và thịnh vượng đến với gia đình. Bởi lẽ những búp lộc xum xuê là biểu tượng của sự phồn thịnh và giàu có.
Cây có nhiều lộc hoa búp lá được xem như một nguồn năng lượng tích cực, mang lại sự tích cực và lạc quan cho mọi người, giúp gia thu hút được nhiều vận may về tiền bạc. Tuy nhiên, các bạn cần xin phép gia chủ hoặc nhà chùa trước khi hái lộc đầu xuân nhé. Điều này sẽ giúp tất cả mọi người đều cảm thấy vui vẻ và thoải mái vào dịp Tết đầu năm.
Chúc Tết và mừng tuổi đầu năm chính là một nét đẹp văn hóa truyền thống vô cùng đặc biệt của người Việt Nam. Vào ngày Tết, mọi người thường gửi trao đến nhau những lời chúc chân thành, tình cảm yêu thương cùng tấm lòng biết ơn sâu sắc. Lời chúc Tết thường mang theo những lời chúc tốt lành về sức khỏe, may mắn và thành công. Bên cạnh đó, việc chúc Tết cũng thể hiện sự lễ phép và tôn trọng giữa các thế hệ con cháu tới ông bà, bố mẹ, hoặc giữa các đối tác trong công việc và trong mối quan hệ xã hội.
Lì xì thường được xem là một phương tiện chuyển giao năng lượng tích cực và truyền tải những thông điệp may mắn từ người này gửi đến người khác. Trong mỗi phong bao lì xì đều được nhét những đồng tiền may mắn bí mật, thể hiện niềm hy vọng và trao gửi những gì tốt lành nhất đến gia đình, họ hàng trong năm mới. Có thể thấy, chúc Tết và mừng tuổi không chỉ là một hành động đơn thuần, đây là một nét văn hóa truyền thống đẹp, thể hiện được tình cảm, lòng biết ơn và sự chân thành của người tặng.
Ngày Tết Nguyên đán là dịp quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam. Trong ngày lễ trọng đại này, chúng ta thường có rất nhiều thói quen và phong tục độc đáo khác nhau, góp phần làm tăng thêm sự phong phú của bản sắc văn hóa. Bài viết đã chia sẻ đến bạn đọc những thông tin hữu ích khác nhau về các phong tục truyền thống ngày tết của người Việt. Đừng quên theo dõi website của Gifgo để có thêm những thông tin hữu ích khác về ngày Tết Việt cũng như tham khảo và chọn mua được set quà tết phù hợp nhất dành cho người thân yêu của mình nhé.
LIÊN HỆ ĐẶT HÀNG VỚI GIFGO QUA: